– Theo Chủ tịch Nhóm Kinh doanh các giải pháp viễn thông của Huawei khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Abel Deng, 5.5G dự kiến sẽ mang lại cho các nhà khai thác tăng gấp mười lần hiệu suất mạng so với 5G, có thể tăng cơ hội kinh doanh gấp 100 lần.
Với độ tuổi trung bình chỉ 30,2 và sự tăng trưởng bùng nổ của các kỳ lân, châu Á Thái Bình Dương đã bước vào thời kỳ vàng son của nền kinh tế số, được thúc đẩy bởi nhu cầu bền vững và dồi dào về cơ sở hạ tầng ICT. Khu vực này đã chín muồi cho chuyển đổi số, và đại dịch chỉ đẩy nhanh quá trình này hơn nữa.
Sau nhiều năm đại dịch, các nước lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương dần mở cửa, dự kiến sẽ duy trì đà phục hồi tốt vào năm 2023, với dự báo tăng trưởng GDP trên 4%, góp phần thúc đẩy tiêu dùng các dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên, thị trường viễn thông của khu vực phát triển không đồng đều, với tỷ lệ thâm nhập 4G dao động từ 40% đến 100% và lưu lượng dữ liệu 4G của thiết bị cầm tay trung bình mỗi người dùng mỗi tháng (DOU) dao động từ 5GB đến 40GB. Do đó, cả nhân khẩu học lẫn lưu lượng truy cập đều không được khai thác đầy đủ và nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của người tiêu dùng vẫn chưa đạt được tiềm năng đầy đủ.
Chia sẻ trong một cuộc họp báo tại Triển lãm Thế giới Di động (MWC) 2023, Chủ tịch Nhóm Kinh doanh các giải pháp viễn thông của Huawei khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Abel Deng cho biết các nhà cung cấp ICT hàng đầu đã vạch ra các cách tiếp cận khác nhau để thu hẹp khoảng cách số và thúc đẩy nền kinh tế số ở các nước châu Á – Thái Bình Dương.
“5G có thể cải thiện đáng kể năng suất. Ví dụ, tại Thái Lan, Huawei đang làm việc với các nhà khai thác và đối tác để triển khai các xe tải khai thác mỏ không người lái hỗ trợ 5G, và đã cải thiện đáng kể hiệu quả, năng suất, an toàn cho nhân viên”, ông Abel nói.
Các hầm mỏ thường được đặt ở những vùng sâu vùng xa, thiếu mạng lưới thông tin liên lạc. Mạng 5G cung cấp cả kết nối liên lạc hàng ngày cho công nhân và các ứng dụng quản lý đội tàu khai thác. Tại Indonesia, Huawei cũng cùng đối tác triển khai dịch vụ khai thác mỏ thông minh, giúp tăng hiệu quả sản xuất lên 60% và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu xuống 30%.
Bên cạnh khai thác mỏ, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đi đúng hướng trong việc nắm bắt các cơ hội chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp khác nhau. Tại Malaysia, nền tảng khai thác dầu khí ngoài khơi 5G đầu tiên của khu vực đã được ra mắt, với đường dây dự phòng dòng chính, có sự hỗ trợ của AR và dịch vụ IoT, cải thiện đáng kể độ tin cậy truyền thông với chi phí thấp. Tại Thái Lan, dịch vụ tư vấn từ xa giúp bệnh nhân nhận được chẩn đoán và điều trị giống như bác sĩ bất cứ lúc nào, từ bất cứ đâu thông qua mạng 5G. Thành phố thông minh 5G ở Pattaya (Thái Lan) giúp tăng cường quản trị đô thị và chất lượng cuộc sống, giảm hơn 20% số ngày ô nhiễm.
Bằng cách tham gia vào các dự án này, Huawei đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và chuyên môn, với nền tảng vững chắc về các sản phẩm và giải pháp ICT. Đối với kết nối không dây, Huawei đã đi tiên phong trong MIMO AAU khổng lồ, dẫn đầu với giải pháp Blade AAU Pro và MetaAAU sáng tạo. Điển hình như MetaAAU, giúp tăng cường vùng phủ sóng và tiết kiệm năng lượng tới 30%.
“Giải pháp này rất phù hợp cho các thị trường như châu Á – Thái Bình Dương, là nơi cần giải quyết những thách thức từ số ít các trạm phát sóng vật lý và khoảng cách lớn giữa các trạm phát sóng”, ông Abel nói thêm. Đối với xu hướng nhà thông minh, giải pháp FTTR F30 thế hệ mới xây dựng một mạng lưới gigabit thực sự để mang lại trải nghiệm cuộc sống kỹ thuật số tối ưu cho cộng đồng trong khu vực.
Đối mặt với nhu cầu đang bùng nổ và các cơ hội mới nổi trong kỷ nguyên số, một mạng lưới được nâng cấp với tốc độ cao hơn, tự động hóa và thông minh hơn, ngày càng trở nên quan trọng. 5.5G dự kiến sẽ mang lại cho các nhà khai thác tăng gấp mười lần hiệu suất mạng so với 5G, có thể tăng cơ hội kinh doanh gấp 100 lần.
Phạm Lê