Các doanh nghiệp chọn xây dựng mạng 5G riêng thay vì chọn mạng từ nhà cung cấp cơ sở hạ tầng chuyên dụng thường dựa trên nhận định mạng 5G độc lập có khả năng an toàn và kiểm soát nhiều hơn đối với các luồng dữ liệu.
Song, nếu chưa từng vận hành một mạng lưới như vậy trước đó, mục tiêu bảo vệ dữ liệu người dùng và hệ thống có thể trở thành thách thức.
“Về mặt bảo mật, 5G cực kỳ an toàn”, William Webb, thành viên của IEEE và Giám đốc công nghệ tại Access Partnership, nói với Insider. “Tương tự như 4G, các yếu tố bảo mật mới được thiết kế theo tiêu chuẩn và cho đến nay vẫn chưa phát hiện vi phạm nào đáng kể trên mạng 5G”.
Dù vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực cũng thừa nhận vẫn tồn tại những rủi ro trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT doanh nghiệp với 5G là trung tâm.
Cảnh giác với tương tác bên ngoài hệ thống
5G vốn là một công nghệ an toàn, song chỉ hoạt động tốt khi có “không gian vùng đệm” giữa mạng độc lập kết hợp cơ sở hạ tầng CNTT khác. Đây cũng chính là khu vực có nhiều khả năng phát sinh rủi ro bảo mật.
“Rủi ro bảo mật sẽ phát sinh bên ngoài mạng 5G, chẳng hạn khi mạng CNTT doanh nghiệp bị xâm nhập”, Webb nói. “Nếu mạng doanh nghiệp không được đảm bảo an toàn, thì đó sẽ là cửa ngõ để tin tặc xâm nhập hệ thống 5G thông qua giao diện điều khiển”.
Parm Sandhu, Phó Chủ tịch phụ trách các sản phẩm và dịch vụ 5G dành cho doanh nghiệp tại NTT Ltd, cho hay, mặc dù 5G là an toàn nhưng “người ta vẫn thường tích hợp một ứng dụng vào trung tâm dữ liệu doanh nghiệp, để kết nối nhiều thiết bị, từ đó làm tăng mức độ rủi ro cả hệ thống”.
Nguy cơ tương tự như trên “đám mây”
Mặc dù 5G được coi là an toàn hơn các công nghệ kết nối khác, song nó vẫn thuộc diện sử dụng công khai, ngay cả đó là mạng lưới độc lập. Nguyên nhân là do công cụ và công nghệ truy cập mạng 5G về bản chất là công khai, nên sẽ dẫn đến những rủi ro tương tự.
“5G cũng tận dụng công nghệ đám mây và ảo hóa, do đó, đương nhiên nó thừa hưởng nhiều thách thức mà CNTT và đám mây phải đối mặt”, Aarthi Krishna, người đứng đầu toàn cầu về bảo mật công nghiệp thông minh tại Capgemini cho biết. “Tuy nhiên, hiện nay, việc giám sát mạng 5G đang yêu cầu các yếu tố khác so với mạng IT và OT do công cụ giám sát không được xây dựng để điều chỉnh trực tiếp môi trường di động”.
Mối đe doạ gia tăng theo quy mô sử dụng
Một trong những lợi ích chính của 5G là khả năng sử dụng theo nhiều cách, từ cung cấp năng lượng cho Internet vạn vật (IoT), đến khả năng xử lý biên cho hàng triệu người dùng trên thiết bị di động.
“Khi phạm vi toàn cầu của 5G mở rộng, rủi ro bảo mật liên quan cũng tăng theo”, Krishna chia sẻ. “Các vấn đề bảo mật trong 5G phát sinh từ việc triển khai phức tạp và bề mặt tấn công mở rộng do nhiều thiết bị và dữ liệu cần được bảo vệ”.
Do đó, điều quan trọng là phải liên tục đánh giá quy mô hoạt động của mạng 5G theo thời gian thực. “Lưu lượng truy cập vào và ra khỏi tất cả các điểm vào mạng 5G cần được theo dõi và kiểm tra để phát hiện các mối đe dọa”, Sandhu đề xuất.
Và để làm được điều này, chuyên gia trong ngành cũng gợi ý các công ty cần đảm bảo ngay từ đầu cấu hình mạng đúng cách. “Đối với triển khai quy mô doanh nghiệp, cần tránh tách biệt cấu trúc mặt điều khiển và người dùng, do nó là điều không cần thiết, đồng thời làm tăng bề mặt tấn công tiềm năng”.
(Theo Insider)
Công nghệ 5G trở thành ‘vũ khí’ trong cuộc chiến với lâm tặc
Mạng 5G không carbon đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại Trung Đông
Mạng 5G nâng cao trải nghiệm du lịch tại khu chợ nổi tiếng Barcelona
Ứng dụng mạng 5G trong giáo dục và quản lý đô thị tại ‘thiên đường giải trí’ Mỹ
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ba-luu-y-bao-mat-khi-xay-dung-mang-5g-doc-lap-2208474.html