7 nhiệm vụ trọng tâm trong thanh toán số

Theo đó, mô hình được triển khai cho 5 nhóm đối tượng (người dùng, điểm trải nghiệm dịch vụ, điểm cung cấp dịch vụ, chính quyền địa phương và trường học) với mục tiêu hình thành xã chuyển đổi số thanh toán bền vững.

Hai bên thống nhất triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian từ ngày 1/10 – 31/12 gồm: Triển khai chữ ký số từ xa (Mysign), trang bị truy xuất nguồn gốc (Vmark) cho sản phẩm OCOP, thanh toán phí dịch vụ công, phát triển đơn vị thu chi hộ, triển khai mô hình chợ 4.0, tuyến phố không tiền mặt, thiết lập điểm cung cấp dịch vụ Viettel Money.

W-anh-2-cds-1.jpeg
Đến từng nhà dân để hướng dẫn sử dụng việc thanh toán số

Đại diện Viettel Bình Định thông tin, 100% cán bộ công chức, viên chức, giáo viên và người dân (có nhu cầu) sẽ được ký miễn phí chữ ký số từ xa của xã khi giao dịch trên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong vòng 1 năm. Bên cạnh đó, triển khai truy xuất nguồn gốc cho có hộ kinh doanh có sản phẩm OCOP trên địa bàn.

“Về thanh toán phí dịch vụ công, sẽ kết nối hệ thống thanh toán và lắp đặt mã QR Viettel Money tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa tại UBND xã. Người dân thanh toán dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công qua Viettel Money”, vị này nói.

Hai đơn vị phát triển đơn vị thu chi hộ, cụ thể, phối hợp với các trường thực hiện lập phiếu yêu cầu khai báo tài khoản trên hệ thống để người dân thanh toán trực tuyến qua Viettel Money…

Bên cạnh đó, việc thu tiền điện sẽ được ban thôn và các tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức các buổi hội nghị thôn và tuyên truyền đến từng hộ dân chuyển đổi thanh toán tiền điện trực tuyến qua Viettel Money…

Một điều quan trọng nữa, Viettel và xã Nhơn Phúc đã hỗ trợ trong việc chi hộ lương: Cán bộ công chức, viên chức, giáo viên tại các trường học, các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách thuộc quản lý của UBND xã. UBND xã, các trường, các đơn vị trên địa bàn xã thực hiện ký hợp đồng chi hộ lương với Viettel…

Đại diện Viettel cho biết: “Hai bên sẽ triển khai mô hình Chợ 4.0, hỗ trợ các tiểu thương đăng ký tài khoản, trang bị mã QR Viettel Money để thực hiện thanh toán số. Ban quản lý Chợ thực hiện thu các loại phí của các hộ tiểu thương của chợ qua Viettel Money”.

W-anh-4-cds-1.jpeg
Chợ 4.0 được triển khai tại xã Nhơn Phúc

Song song, tuyến phố không tiền mặt cũng được xây dựng trên địa bàn xã, tư vấn giới thiệu phương thức thanh toán bằng mã QR Viettel Money cho các hộ kinh doanh và tiểu thương tại các tuyến phố không tiền mặt.

Hỗ trợ mở tài khoản, cài đặt phần mềm và trang bị ấn phẩm mã QR cho các hộ kinh doanh và tiểu thương. Hướng dẫn người dân thanh toán mua bán hàng hóa bằng phương thức quét mã QR tại các tuyến phố không tiền mặt.

Và cuối cùng, thiết lập điểm cung cấp dịch vụ Viettel Money: xây dựng 3 điểm cung cấp dịch vụ Viettel Money phục vụ người dân trên địa bàn Xã Nhơn Phúc.

Người dân được hưởng lợi từ chuyển đổi số

Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc Dương Thanh Cường chia sẻ, thời gian qua, Viettel Bình Định đã tổ chức truyền thông lợi ích về thanh toán số, chữ ký số từ xa Mysign. “Đồng thời tập huấn, cài đặt, hướng dẫn sử dụng cho 100% cán bộ công chức, viên chức, cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách của xã. Viettel Bình Định cùng đoàn thanh niên, phụ nữ của xã thực hiện truyền thông, vận động triển khai mô hình chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt cho tiểu thương tại chợ và tuyến phố không dùng tiền mặt cho tiểu thương kinh doanh trên địa bàn xã”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, đoàn thanh niên, công an xã và Viettel Bình Định phối hợp triển khai chuẩn hoá thông tin thuê bao kết hợp cài VNeID cho công dân và, hướng dẫn cài đặt, sử dụng Viettel Money để có công cụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn xã. Cùng với đó, Viettel Bình Định hỗ trợ khảo sát triển khai mạng internet phục vụ tại các thôn, camera an ninh, sổ quản lý đảng viên điện tử…

Sau nửa tháng thực hiện, người dân bắt đầu tiếp cận và áp dụng thanh toán số trong đời sống hàng ngày, thanh toán các nhu cầu cơ bản mà không cần phải dùng tiền mặt tại chợ, hộ kinh doanh và bộ phận một cửa của xã… Hạ tầng số được đồng bộ, chính quyền số phục vụ nhân dân, chữ ký số phục vụ giải quyết công việc mọi lúc, mọi nơi. Phía nhà trường cũng dần chuyển dịch từ thanh toán học phí thủ công sang ko dùng tiền mặt.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc thông tin thêm, từ chuyển dịch số, người dân cũng bắt đầu mang lại cho người dân nhiều tiện ích như không cần đi đến điểm giao dịch vẫn có thể ngồi nhà tự thanh toán các nhu cầu thiết yếu, tiểu thương quản lý tiền bạc dễ dàng, nhanh chóng.

Chuyển đổi số giúp rút ngắn khoảng cách địa lý, người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ hơn…tiến dần đến xã hội thông minh trong tương lai.

W-anh-1-cds-1.jpeg
Người dân tìm hiểu về thanh toán số tại thị xã An Nhơn

“Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa có smartphone chưa tiếp cận được với thanh toán số, công nghệ thông tin. Số bà con còn quen kiểu truyền thông, chưa tiếp cận được các dịch vụ mới, thay đổi thói quen do đó cần một thời gian để thay đổi và cần sự nỗ lực tuyên truyền từ chính quyền và các đoàn thể địa phương”, ông Cường nhận định.

Để chuyển đổi số thành công, lãnh đạo xã Nhơn Phúc nhận định, tiến tới nhân rộng ra, cần tiếp tục triển khai bài bản, mang lại hiệu quả thật sự. Trong đó, cần ưu tiên triển khai thanh toán số ở các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân hàng ngày như dịch vụ về y tế, giáo dục, thanh toán online điện, nước, dịch vụ công,….

Mỗi cán bộ, công chức là tấm gương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.

Cùng với đó, cần tiếp tục tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của chuyển đổi số, sự vào cuộc tích cực của người dân là yếu tố quan trọng làm nên thành công của chương trình chuyển đổi số.

Công Sáng