Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) vừa có công văn gửi các doanh nghiệp viễn thông di động về phản ánh của báo VietNamNet đối với tình trạng bán SIM qua các đại lý. 

Theo đó, vào ngày 13/10 vừa qua, báo VietNamNet đã đăng tải bài viết Bộ TT&TT siết SIM rác: Đại lý “bắt tay” nhà mạng lách luật. 

Cụ thể, VietNamNet đã tiến hành khảo sát nhiều đại lý SIM thẻ trên địa bàn Hà Nội trong ngày 13/10/2023. Kết quả cho thấy, với những điểm đại lý chấp nhận bán SIM rác, về cơ bản, sau khi người mua thanh toán, họ sẽ được kích hoạt và bàn giao SIM theo 3 cách.

Cách thứ nhất, người dùng có thể lắp SIM đã được kích hoạt sẵn luôn vào máy để sử dụng, không cần thêm bất kỳ thao tác nào, những chiếc SIM kích hoạt sẵn thuộc về nhiều nhà mạng, phổ biến nhất là Viettel, Vietnamobile.

dai ly sim 1.jpg
Đại lý bán SIM rác trên phố Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Trọng Đạt

Cách thứ hai, sau khi được đặt vấn đề, chủ đại lý sẽ nhờ một “người nào đó” tiến hành kích hoạt SIM. Phóng viên VietNamNet đã tiếp cận một đại lý SIM thẻ ở đường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội). Khi hỏi mua SIM data không cần đăng ký, chủ đại lý cho biết, cửa hàng có sẵn SIM của nhà mạng MobiFone. 

Khi người mua chọn được đầu số ưng ý, chủ đại lý mượn lại thẻ SIM, giơ điện thoại lên chụp rồi gửi tin nhắn cho một ai đó. Chỉ 5 phút sau, điện thoại nhận được tin nhắn thông báo “Quy khach da duoc mo thanh cong goi cuoc TK135”. 

Ngoài ra trong những đợt khảo sát trước, có tình trạng các chủ đại lý sử dụng khay kích SIM gắn với điện thoại feature phone để kích hoạt. Hiện tượng này diễn ra cả ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tình trạng trên cho thấy, rất có thể nhân viên nhà mạng sẽ tìm cách “lách” bằng nhiều hình thức, thậm chí có thể cho mượn tài khoản để đại lý kích hoạt.

W-dai-ly-sim-rac-t10-1.jpg
Một đại lý bán SIM thẻ trên đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, HN).

Trước thực trạng trên, ngày 15/10, Cục Viễn thông đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông di động. Theo đó, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng nghiêm chỉnh thực hiện cam kết với lãnh đạo Bộ TT&TT về việc ngừng cung cấp SIM thuê bao di động qua các đại lý. Các doanh nghiệp viễn thông cũng phải quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các đại lý và nhân viên vi phạm. 

Các doanh nghiệp Viettel, Vietnamobile, MobiFone cũng nhận được yêu cầu kiểm tra, xác minh nội dung mà báo VietNamNet đã phản ánh, đồng thời xử lý các đại lý và nhân viên vi phạm cam kết. Doanh nghiệp phải báo cáo kết quả xử lý về Cục Viễn thông trước ngày 18/10/2023 để Cục Viễn thông tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT. 

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT, các nhà mạng  đã cam kết dừng hợp đồng với các đại lý và chỉ tập trung vào các chuỗi phân phối kiểm soát được. Đây có thể là bước ngoặt trong cuộc chiến chống SIM rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. Bộ TT&TT cũng đã thực hiện những biện pháp quyết liệt, tiến hành thanh tra toàn quốc các đại lý và nhà mạng để phát hiện và xử lý những sai phạm về đăng ký thông tin thuê bao. 

Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, mục tiêu của Bộ TT&TT là ngăn chặn vấn nạn SIM rác và làm “sạch” thông tin cá nhân của khách hàng. Bộ TT&TT có thể sẽ đưa ra nhiều biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu cuối cùng là chặn được vấn nạn SIM rác và lợi dụng việc này để lừa đảo trên không gian mạng. Cục Viễn thông sẽ xử lý nghiêm với những nhà mạng vi phạm các quy định về quản lý thông tin thuê bao. 

Nhà mạng sẽ thu lợi hàng nghìn tỷ nếu giải quyết được vấn đề SIM rácViệc giải quyết thành công vấn đề SIM rác sẽ mang đến lợi ích lâu dài, thúc đẩy doanh thu, giảm chi phí cho các nhà mạng. Thậm chí, doanh thu các nhà mạng sẽ tăng nhiều nghìn tỷ đồng.