nhan-vien-ngan-hang-thuong-.jpg
Nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Chương Dương hỗ trợ các hộ kinh doanh tại chợ Thượng Thanh (quận Long Biên) tạo mã QR tài khoản thanh toán.

Giao dịch không tiền mặt tăng 348,54%

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đã có 82 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua internet và 52 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua điện thoại, 51 tổ chức trung gian thanh toán có giấy phép hoạt động.

Thanh toán, chi tiêu không dùng tiền mặt đạt 6,85 tỷ giao dịch với giá trị 138,3 triệu tỷ đồng, tăng 348,54% về số lượng và 69,84% về giá trị so với năm 2022.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn cho biết, thanh toán qua internet tăng trưởng trên 66%, thanh toán thông qua thiết bị di động tăng trưởng trên 63%, thanh toán qua QR code tăng trưởng hơn 124% so với năm 2022.

Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ tin cậy dựa trên công nghệ, dữ liệu và có thể tiếp cận khách hàng qua các kênh số.

Rõ ràng, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ngày càng tăng nhờ sự nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh cho hay, các hình thức thanh toán trước đây, bao gồm cả thẻ vật lý, đã được số hóa để đưa lên điện thoại di động.

Với việc ứng dụng công nghệ vào đổi mới sáng tạo, thanh toán không tiếp xúc và thanh toán qua điện thoại di động là xu hướng tất yếu trong tương lai.

Mới đây, NAPAS đã ra mắt dịch vụ VietQRCash. Với dịch vụ này, khách hàng có thẻ NAPAS và sử dụng ứng dụng mobile banking của các ngân hàng có thể rút tiền trên hệ thống ATM bằng phương thức quét mã VietQR mà không cần mang theo thẻ vật lý.

Việc thanh toán bằng hình thức quét mã QR không chỉ phổ biến ở các trung tâm thương mại, siêu thị… mà còn len lỏi vào từng góc chợ, đến gần hơn với các tiểu thương, gánh hàng rong, người lớn tuổi xưa nay chỉ quen dùng tiền mặt.

Vietcombank chi nhánh Chương Dương đã triển khai mô hình “Chợ 4.0” – chợ không dùng tiền mặt, hỗ trợ tạo mã QR tài khoản thanh toán cho các hộ kinh doanh và tiểu thương tại chợ Thượng Thanh (quận Long Biên).

Theo đại diện Vietcombank chi nhánh Chương Dương, việc ứng dụng mã thanh toán không chỉ tạo sự thuận lợi, nhanh chóng và an toàn, mà còn hạn chế các rủi ro trong quá trình giao dịch hoặc sử dụng tiền mặt.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển chi tiêu không dùng tiền mặt, việc phát triển hạ tầng hệ thống thanh toán qua POS chiếm vị trí quan trọng.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, doanh số thanh toán trung bình hiện nay của Sacombank đạt 500 tỷ đồng/ngày, với 3.000 giao dịch/phút. Những con số này cho thấy nhu cầu thị trường rất lớn.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định, xu hướng thanh toán, chi tiêu không dùng tiền mặt sẽ tăng trưởng 40-60% trong 5 năm tới khi khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện, hạ tầng công nghệ ngày càng phát triển.

Thực tế, các ngân hàng cũng có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng ngân hàng số.

Các doanh nghiệp cũng phối hợp với ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán xây dựng nhiều chương trình ưu đãi không dùng tiền mặt khi thanh toán bằng tài khoản, app điện thoại…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành và trình ban hành nhiều quy định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán, chuẩn hóa, liên thông trong ngành Ngân hàng và giữa ngành Ngân hàng với ngành, lĩnh vực khác.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, an toàn và thuận tiện.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, thanh toán thẻ nói riêng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả nhằm thiết lập hệ sinh thái số an toàn và hiện đại.

Các ngân hàng thường xuyên nghiên cứu, phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, nhiều tiện ích, bảo đảm an toàn, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.

Có thể thấy, những chính sách, quy định kịp thời, phù hợp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đã khuyến khích các ngân hàng đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán điện tử ngày càng trở nên quen thuộc, phổ biến trong đời sống hằng ngày của người dân, doanh nghiệp.

“Trước đây, thanh toán thẻ, chi tiêu không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ đây, có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật. Nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao.

Đặc biệt, số hóa thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng. Tôi có 2 chữ “tiện – lợi”, vì dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng, và phải thấy lợi ích về kinh tế, bên cạnh bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nói.

 Theo Hà Linh (Báo Hà nội mới)