Ngành thuế tỉnh Bình Định tăng được tính tự giác của người nộp thuế, đồng thời, phòng ngừa tiêu cực trong nội bộ ngành. Chìa khoá nằm ở việc đẩy mạnh chuyển đổi số.
Năm 2021, có 1.300 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định khai tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp so với năm 2020, số tiền tăng là 204 tỷ đồng. Trong đó, có 81 doanh nghiệp xuất khẩu tự kê khai tăng tỷ lệ nộp thuế so với năm 2020, số tiền chênh lệch tăng là 71 tỷ đồng.
Còn 10 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế địa phương chỉ thực hiện 149 cuộc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và phát đi 569 cảnh báo, nhưng số thuế điều chỉnh phải nộp tăng 36,8 tỷ đồng.
Tính “tự nguyện tuân thủ” của khoảng 11.000 doanh nghiệp và 20.000 hộ kinh doanh trên toàn địa bàn thay đổi, do có sự tác động từ hệ sinh thái quản lý thuế thuộc hàng “top” cả nước hiện nay.
Trong căn phòng ở góc lầu 5 tại trụ sở làm việc, Cục trưởng Cục Thuế Bình Định, ông Nguyễn Đẩu, tự tin khi nói với VietNamNet về những gì ngành thuế tỉnh đã làm được.
Phần mềm “soi” rõ đường đi liên kết đằng sau các doanh nghiệp
– Cục Thuế Bình Định đã tạo nên một hệ sinh thái hàng chục ứng dụng “phủ” đến tất cả đối tượng nộp thuế và chức năng quản lý thuế. Ông có thể nói rõ hơn về hệ sinh thái này?
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý thuế thay cho thao tác thủ công đã trở thành tất yếu. Do vậy, chúng tôi tạo nên một hệ sinh thái các ứng dụng CNTT làm nền tảng, để vận hành mô hình quản lý thuế mới – “Mô hình quản lý thuế định hướng mở bằng công nghệ”.
Từ năm 2020 đến nay, ngoài các ứng dụng Tổng cục Thuế đang vận hành, riêng Cục Thuế Bình Định tự xây dựng, triển khai 22 ứng dụng phục vụ công tác quản lý thuế và quản trị nội ngành.
Cụ thể, có 16 ứng dụng giúp Cục bao quát tất cả các chức năng, nguồn thu và lĩnh vực quản lý: từ giám sát hồ sơ khai thuế, hóa đơn, hoàn thuế đến kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; từ quản lý nợ, hộ kinh doanh, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… đến khai thác nguồn thu lĩnh vực thương mại điện tử, giao dịch liên kết, bất động sản, khai thác khoáng sản…)
Ngoài ra, có 6 ứng dụng làm tăng tính công bằng, minh bạch, bình đẳng trong nội bộ (công khai các mặt công tác từ tài chính; tổ chức cán bộ; đào tạo; đặc biệt là ứng dụng giám sát phiếu nhận xét của doanh nghiệp qua công tác kiểm tra, thanh tra)…
Với hệ sinh thái trên, chúng tôi xây dựng và hoàn thành được mô hình “tuân thủ tự nguyện” của người nộp thuế. Từ việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế… tất cả được số hoá, vận hành trên môi trường điện tử là chính.
– Khái niệm “tuân thủ tự nguyện” ở đây có nghĩa là gì, thưa ông?
Tức là doanh nghiệp tự sửa sai và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thuế.
Hiện, cơ quan thuế rà soát hoá đơn điện tử hàng ngày trên môi trường số, nhờ hệ thống nghiệp vụ được cài đặt mà chúng tôi có thể ngồi tại chỗ, khoanh vùng các doanh nghiệp có khả năng sai phạm.
Với đối tượng nộp thuế đã chấp hành tốt nhưng vô tình vi phạm, chúng tôi giúp họ tự sửa sai, đưa ra cảnh báo phòng ngừa cho doanh nghiệp.
Còn đối tượng mua bán hoá đơn bất hợp pháp, cơ quan thuế sẽ kiểm tra, ngăn chặn và xử lý ngay.
Để dễ hình dùng, Cục Thuế Bình Định có 2 hình thức cảnh báo.
Cảnh báo rộng: cơ quan thuế tập hợp tất cả sai phạm của doanh nghiệp tại tỉnh về các lĩnh vực như: hoá đơn, thương mại điện tử, du lịch… và cập nhật công khai lên cổng giao tiếp trực tuyến của Cục để cá nhân, doanh nghiệp khác vào đấy xem. Tự họ đối chiếu mẫu và rà soát lại quá trình hạch toán của mình. Nếu sai thì tự sửa.
Cảnh báo hẹp: với hệ sinh thái đang sở hữu, chúng tôi rà soát được tất cả sai phạm của từng doanh nghiệp trên phần mềm. Bài toán nghiệp vụ chuyên ngành được đặt vào hệ sinh thái số, từ đó, chúng tôi lập danh sách một loạt doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm ở từng dạng thức. Lúc này, Cục phát cảnh báo tới từng doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm, để họ tự rà soát và sửa sai.
Như vâỵ, công khai diện rộng và cảnh báo diện hẹp khiến doanh nghiệp hiểu. Hai dạng thức này đã thúc đẩy tính tự nguyện của người nộp thuế.
– Tức là chính người nộp thuế tự nộp bổ sung số thuế còn thiếu?
Đúng vậy. Năm 2019, khi chưa đẩy mạnh mô hình “tuân thủ tự nguyện”, ngành thuế Bình Định trực tiếp điều tra, thanh tra tại 998 doanh nghiệp. Số tiền xử lý khoảng 79 tỷ, trong đó, số truy thu thuế là 53 tỷ, còn số tiền phạt lên tới 26 tỷ.
Từ khi áp dụng mô hình “tuân thủ tự nguyện”, riêng hoạt động cảnh báo, rà soát đã tăng số thuế phải nộp là 50 tỷ đồng/năm, tránh toàn bộ tiền phạt cho doanh nghiệp. Thay vì công chức thuế trực tiếp xuống kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, chúng tôi hỗ trợ người nộp thuế bằng việc cảnh báo các rủi ro, sai phạm, cho họ tự sửa và nộp thuế bổ sung. Thay vì doanh nghiệp mất tiền phạt khi ngành thuế xuống tận nơi kiểm tra.
Như vậy, hiệu quả quản lý Nhà nước là tương đương, hệ sinh thái số mang lại hiệu quả thấy rõ.
Bằng chứng khác về tính tự nguyện, có những doanh nghiệp xuất khẩu trước đây chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 5 tỷ đồng nhưng sau khi dữ liệu được áp lên hệ thống phần mềm, họ tự biết và tự điều chỉnh số thuế phải nộp lên 20 tỷ; cũng có doanh nghiệp mọi năm nộp 1 tỷ, nhưng sau phải điều chỉnh lên 10 tỷ.
Lý do, chúng tôi đã công khai bài toán nghiệp vụ của từng ngành lên hệ thống phần mềm (ví dụ, tỷ lệ lãi trên doanh thu hàng năm là bao nhiêu đối với chế biến gỗ, bất động sản…), do đó, các doanh nghiệp phải điều chỉnh và tự nâng thuế thu nhập cần nộp.
Trước đây, doanh nghiệp dàn xếp các giao dịch, để giảm thiểu tối đa lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm giảm số thuế phải nộp. Nhưng, phần mềm nghiệp vụ rà soát và thấy rõ đường đi liên kết đằng sau các doanh nghiệp, nâng chi phí chỗ này, bù trừ chỗ khác ra sao.
Những trường hợp cụ thể thể đó, chúng tôi mời doanh nghiệp đối thoại trực tiếp với cơ quan thuế. Chúng tôi chứng minh cho họ tâm phục khẩu phục với những tính toán hiện đại của phần mềm nghiệp vụ.
Để làm được việc trên, điều kiện tiên quyết là phải số hoá được trong công tác quản lý nhà nước, số hoá cụ thể các dạng thức sai phạm của doanh nghiệp. Từ đó, chúng tôi mới có căn cứ để đối thoại và khiến doanh nghiệp tâm phục khẩu phục.
Nói tóm lại, mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy tính tự nguyện của người nộp thuế, nâng cao sự tự giác chứ không phải cứ tìm tòi sai phạm của doanh nghiệp mà xuống xử lý trực tiếp. Số hoá đang thay đổi toàn bộ cách tiếp xúc giữa công chức thuế và người nộp thuế.
Phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu từ xa
– Quản lý bằng công nghệ, đồng nghĩa, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thuế và người nộp thuế. Ông có gặp phải lực cản nội bộ khi đẩy mạnh chuyển đổi số tại Cục?
Hãy nhìn nhận thực tế rằng, khi một cán bộ thuế trực tiếp tới tiếp xúc doanh nghiệp có vi phạm, không ai biết được chuyện gì xảy ra, tiêu cực hoàn toàn có thể phát sinh từ những cuộc gặp gỡ trực tiếp.
Còn bây giờ, với công cụ số hoá và môi trường quản trị điện tử, đây là cách để chúng tôi bảo vệ cán bộ, công chức thuế, tạo môi trường công vụ trong sạch. Từ đó, Cục tạo sự tin tưởng của người nộp thuế với cơ quan quản lý thuế. Khi hình ảnh của cơ quan thuế được nâng lên, người dân và doanh nghiệp mới tin. Lúc này, họ sẽ tuân thủ tự nguyện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Số hoá là gì? Đó là chính là công cụ phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, hạn chế nhũng nhiễu từ xa trong ngành thuế.
Tất nhiên rồi, khi chuyển sang phương thức tiếp xúc gián tiếp, sẽ triệt tiêu những lợi ích khi làm việc trực tiếp. Anh thử nghĩ xem, nếu ngăn chặn nguồn lợi của ai đó thì đương nhiên sẽ bị phản đối, lực cản trong nội bộ ngành là có. Nhưng, đây là việc Cục Thuế Bình Định phải làm. Càng làm thì càng quen. Chuyển đổi số là xu hướng không thể chối bỏ. Chuyển đổi số để giữ gìn, bảo vệ màu áo của ngành thuế chúng tôi.
– Như vậy, Cục Thuế Bình Định đã có những thay đổi rất lớn khi áp dụng hệ sinh thái số của mình?
Đúng vậy. “Trái tim” của Cục Thuế Bình Định hiện nay là bộ phận CNTT và tuyên truyền, hỗ trợ. Chính họ đóng góp công lớn trong xây dựng hệ sinh thái ứng dụng, thúc đẩy tính tuân thủ tự nguyện, lấy phòng ngừa cho người nộp thuế là chính.
Với hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhiều mô hình kinh tế hoạt động nhưng Cục Thuế Bình Định tự tin rằng, chúng tôi quản lý sát được toàn bộ hoạt động kinh tế trên địa bàn.
Cục Thuế Bình Định đang là một trong các đơn vị có tốc độ số hoá nhanh nhất toàn quốc. Chúng tôi đi đầu trong việc tự thân xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế và nhiều đơn vị khác đều công nhận điều này. Các ứng dụng như quản lý, rà soát hoá đơn điện tử để chống mua bán hóa đơn hợp pháp, bản đồ số hộ kinh doanh, bản đồ mỏ khoáng sản… đều xuất phát từ Cục Thuế Bình Định, sau đó được Tổng cục Thuế tiếp nhận, nâng cấp các phiên bản cho phần mềm và được ứng dụng tại nhiều tỉnh/thành trên toàn quốc.
Hiện, Cục Thuế Bình Định trở thành điểm đến trao đổi kinh nghiệm triển khai hệ sinh thái ứng dụng CNTT và chuyển giao công nghệ cho các Vụ, Cục trên cả nước.
Tôi đã công tác trong ngành thuế 33 năm. Năm 1990, tôi xuất phát điểm là người công tác tại Cục Thuế Quảng Nam-Đà Nẵng, sau đó tách tỉnh, tôi về Cục Thuế Đà Nẵng. Tới năm 2002, tôi được điều động ra Tổng cục Thuế và luân chuyển công tác ở các đơn vị trong Tổng cục. Năm 2019, tôi là Vụ trưởng Vụ Kiểm tra nội bộ Tổng cục Thuế và tới năm 2020, tôi được điều về Cục Thuế Bình Định.
Kể về quá trình công tác dài dòng như vậy để nói rằng, tôi có may mắn khi được tiếp cận câu chuyện số hoá và có cái nhìn bao quát từ hoạt động của Tổng cục cũng như điểm mạnh, điểm yếu trong số hoá tại các cơ quan thuế địa phương. Nơi nào mạnh, mình học được cái gì, nơi nào yếu, điểm gì cần phải tránh khi xây dựng hệ sinh thái cho phù hợp.
Rõ ràng, chuyển đổi số tạo nên những biến chuyển rất thiết thực. Hệ sinh thái ứng dụng CNTT đã giải quyết được hầu hết các bài toán nghiệp vụ quản lý thuế của Cục, không những tiết kiệm rất nhiều thời gian xử lý công việc mà hiệu quả đem lại cũng đạt rất cao.
Trần Chung – Diễm Phúc
Bình Định: 600 công chức thuế không dùng giấy tờ, chuyển đổi số sâu rộng
Dùng phần mềm truy vết mua bán hoá đơn, Cục Thuế Bình Định thu ngân sách 64 tỷ
Đất Võ Bình Định ‘không giấy tờ’
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-de-bao-ve-mau-ao-cua-cong-chuc-thue-chung-toi-2223142.html