Chuyển mọi giao dịch lên môi trường điện tử

Là một trong những cơ sở trồng, sản xuất chè  ứng dụng chuyển đổi số từ rất sớm, HTX Phúc Thi ở thôn 9 xã Quảng Long, huyện Hải Hà đã sử dụng nhiều ứng dụng thanh toán, giao dịch, tra cứu thông tin và xuất hoá đơn điện tử, dùng chữ ký số… để phù hợp với từng thị trường giao dịch. Nhờ đó, HTX dễ dàng giao thương, xuất khẩu nhiều đơn hàng sang Trung Quốc mà không gặp nhiều khó khăn.

HTX Phúc Thi chỉ là 1 trong hàng ngàn doanh nghiệp, cùng với người dân, nay đã có thể “ngồi nhà” để mua bán – trao đổi hàng hóa, cung cấp – sử dụng các sản phẩm, dịch vụ nhờ hạ tầng mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh ở Quảng Ninh, phổ cập mọi địa bàn, tại cả chợ truyền thống, với các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích, như: Chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán di động, dùng tài khoản viễn thông thanh toán, sử dụng mã QR, ví điện tử… 

[wpcc-element _tag=”source” data-srcset=”https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2023/12/1/a1111-629.jpg?width=768&s=hzKlMvgYY-OqjdIOu1zsxA” media=”–medium” _close=”0″]
Quét mã QR mua hàng tại Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc tại Quảng Ninh 

Trong lĩnh vực y tế, chuyển đổi số tại Quảng Ninh cũng đã giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế và hưởng thụ các quyền lợi về bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và nhanh chóng hơn. Bà Hà Thị Đông ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà chia sẻ: “Tôi bị bệnh tim nên thường xuyên phải đi khám chữa bệnh. Trước đây, mỗi lần đi khám tôi phải mang theo rất nhiều giấy tờ, thủ tục như thẻ bảo hiểm y tế, thẻ khám chữa bệnh, giấy chuyển viện… khiến tôi rất mệt mỏi. Nhưng từ khi chuyển đổi số, tôi chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân là có thể thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều”. 

[wpcc-element _tag=”source” data-srcset=”https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2023/12/1/a2-khambenh-630.jpg?width=768&s=H4pH_17-A7-aq1-ZsBB_EA” media=”–medium” _close=”0″]

Từ khoảng 2 năm nay, việc ứng dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử tại các cơ sở y tế giúp người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ khi đi khám chữa bệnh. Các thông tin về lịch sử khám chữa bệnh, thông tin tiêm chủng của người dân đều được lưu trữ trên phần mềm. Từ đó, giúp các bộ phận khám bệnh không cần sử dụng giấy, máy in bệnh án, trả kết quả khám chữa bệnh bằng giấy mà chuyển trực tiếp dữ liệu điện tử cho bệnh nhân và bộ phận giải quyết. Đặc biệt, người dân Quảng Ninh có thể ngồi nhà đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến khi cần, và được Hệ thống tư vấn, chẩn đoán khám chữa bệnh từ xa Telemedicine và Telehealth hỗ trợ đắc lực.

Ngồi nhà thanh toán online mọi dịch vụ công

Với quyết tâm đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen tự nhiên trong đời sống kinh tế – xã hội thường nhật, hiện nay, tất cả các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh đều đã chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến.

Năm 2023, thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt được các đơn vị trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thu ngân sách nhà nước… Nhờ vậy doanh nghiệp dễ dàng nộp thuế qua hệ thống thuế điện tử eTax và eTax Mobile. Người dân ngồi nhà thanh toán lệ phí, học phí, tiền điện và nước sinh hoạt không dùng tiền mặt; sử dụng tài khoản thanh toán nộp phí, lệ phí, biên bản xử phạt vi phạm giao thông trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia… Đến nay Quảng Ninh đã có trên 61% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.

[wpcc-element _tag=”source” data-srcset=”https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2023/12/1/a3-halong-631.jpg?width=768&s=o19RCARwhztvpjy52VdNnw” media=”–medium” _close=”0″]
Người dân TP. Hạ Long được hướng dẫn ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính

Để nâng cao chất lượng dịch vụ công vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 100% thủ tục hành chính có phát sinh phí, lệ phí đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết trực tiếp tại Trung tâm, hoặc thanh toán trực tuyến khi tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trước đó, để tăng tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, từ tháng 9/2022 Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông đã tích hợp, đồng bộ nền tảng thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Để thích ứng với sự chuyển mình mạnh mẽ trên môi trường số, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực phát triển công dân số, hướng tới mọi công dân đều có kiến thức cơ bản về công nghệ số; chủ động, tích cực sử dụng các nền tảng, công nghệ số thiết yếu để phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống, vì mục tiêu cuộc sống của người dân ngày càng hạnh phúc hơn.

Công Duy