– Theo ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, là một hạ tầng số quốc gia quan trọng, 5G có tiềm năng ảnh hưởng đáng kể tới xã hội, các ngành công nghiệp, nền kinh tế cũng như mang lại lợi ích cho môi trường.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn” diễn ra sáng 21/3, ông Denis Brunetti cho rằng, trước đây, các nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như lao động chi phí thấp và tài nguyên thiên nhiên. Trong tương lai, nền kinh tế mới sẽ ngày càng phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào bền vững hơn, chẳng hạn như khoa học, công nghệ và sáng tạo, theo đó dữ liệu sẽ trở thành loại “nhiên liệu” mới tạo ra nhiều động lực, phát triển kinh tế xã hội toàn diện và bền vững hơn, đảm bảo sự thịnh vượng trên phạm vi rộng hơn.
Nhìn lại quá khứ, mạng di động 2G đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam vào năm 1993 khi Ericsson bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, và cùng với các nhà mạng, chúng tôi đã giúp kết nối mọi người từ mọi miền đất nước, bất kể ở thành thị, nông thôn hay các vùng quê và miền núi xa xôi, khiến dễ dàng liên lạc và mở rộng hoạt động kinh tế xã hội.
Với 3G, xã hội và doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng giá trị của mạng internet không dây, tạo ra làn sóng đầu tiên của nền kinh tế số và hoạt động thương mại điện tử. Ngày nay, thông qua mạng băng rộng di động tốc độ cao 4G cũng như 5G, Việt Nam đang bắt đầu tận hưởng những lợi ích của việc kết nối không dây giữa các ngành và doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả và năng suất.
Thông qua 5G, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ tại hàng nghìn nhà máy tại Việt Nam, cho phép rô-bốt, công nghệ bản sao số (digital twin technology), phương tiện điều khiển tự động, theo dõi hàng tồn kho từ xa và bảo trì dự đoán (predictive maintenance) giúp nâng cao hiệu quả đáng kể và tăng cường an toàn cho các cơ sở sản xuất.
Cùng với việc giúp tăng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của quốc gia lên mức 7,5%/năm theo Chiến lược Quốc gia về Chuyển đổi số của Chính phủ, nó cũng sẽ kích thích đầu tư FDI vào công nghệ cao và thu hút thêm đầu tư Sản xuất Thông minh vào Việt Nam trong những năm tới. Điều này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta kỳ vọng gần 70% các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới sẽ đặt các trung tâm sản xuất của họ ở Châu Á Thái Bình Dương trong thập kỷ này.
Cùng với đó, chúng ta thấy nông nghiệp, khai thác mỏ, hậu cần, năng lượng, giao thông, y tế và giáo dục đều được hưởng lợi từ các tính năng của băng thông rộng di động tốc độ cao, an toàn và đáng tin cậy trong những năm tới, giúp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, đồng thời cung cấp một nền tảng cho đổi mới sáng tạo. 5G thực sự là một nền tảng sáng tạo, giúp tạo ra các trường hợp sử dụng, công ty và ngành công nghiệp IoT mới, từ đó sẽ tạo ra các công việc mới trong tương lai tập trung vào khoa học và công nghệ dữ liệu. Điều này đặc biệt quan trọng vì chúng tôi kỳ vọng hơn 70% việc làm sẽ thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo vào năm 2050.
5G có tốc độ cao an toàn và đáng tin cậy khác biệt, cùng với độ trễ siêu thấp để tăng cường tự động hóa trong tất cả các ngành, bao gồm sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, hậu cần, vận tải, khai thác mỏ, y tế, tài chính, ngân hàng và giáo dục và nhiều ngành khác. Bởi vậy, 5G là công nghệ và mạng di động lý tưởng mà Chính phủ đã rất chú trọng trong chiến lược Chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0 và tầm nhìn đến năm 2030.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một chiến lược và tầm nhìn rất rõ ràng mà Ericsson hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ thông qua các kế hoạch và năng lực 4G hiện tại cũng như 5G trong tương lai của chúng tôi tại Việt Nam. Là một phần hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam vào năm 2023, Ericsson tái khẳng định cam kết hợp tác chiến lược với Việt Nam nhằm khai phóng toàn bộ tiềm năng và giá trị của 5G đối với xã hội, doanh nghiệp, công nghiệp, nền kinh tế và môi trường.
Cùng với việc tiêu thụ ít năng lượng hơn 4G, công nghệ 5G sẽ cho phép các ngành công nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số và giảm yêu cầu năng lượng cũng như lượng carbon thải ra. Chúng tôi kỳ vọng rằng ngành CNTT-TT, được hỗ trợ bởi các khả năng của 5G, sẽ góp phần đáng kể vào việc giữ cho việc nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C vào năm 2050 so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tại Ericsson, chúng tôi đặt mục tiêu đạt được mức phát thải carbon net zero vào năm 2040 trên toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, và trong môi trường sản xuất của chúng tôi vào năm 2030.
Đại diện của Ericsson cũng bày tỏ sự hoan nghênh Chính phủ Việt Nam với tham vọng đạt được phát thải carbon net zero vào năm 2050, với 75% năng lượng dự kiến đến từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2045. Đại diện Ericsson cho biết cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu này thông qua quan hệ đối tác của chúng tôi với các nhà mạng của Việt Nam, cũng như thông qua sự hợp tác chiến lược của chúng tôi với EVN, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất tại Việt Nam. 5G sẽ giúp hỗ trợ tích hợp liền mạch các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như gió, thủy điện và mặt trời, vào lưới điện hiện tại.
“Ericsson tin tưởng rằng việc thương mại hóa 5G sẽ mang lại lợi ích gấp ba lần cho Việt Nam – về xã hội, kinh tế và môi trường. Ericsson hoàn toàn tin tưởng vào tầm nhìn và các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy một quỹ đạo tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững vì sự thịnh vượng cho tất cả người dân Việt Nam. Tôi tin rằng chúng ta càng nhìn sâu vào quá khứ thì chúng ta càng có thể nhìn xa hơn vào tương lai và Việt Nam có bề dày thành tích cũng như lịch sử hết sức thành công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững và toàn diện nhằm đảm bảo không người dân nào bị bỏ lại phía sau” – ông Denis Brunetti chia sẻ.
Phạm Lê