Giá trị xuất khẩu online tăng nhanh nhưng vắng bóng ngành nông sản

Theo một báo cáo mới đây của Amazon Global Selling, giá trị xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam thông qua nền tảng này đã tăng 50% chỉ trong vòng 1 năm qua. Số lượng các doanh nghiệp Việt bán hàng online trên Amazon trong năm 2023 đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đây là những con số cho thấy việc xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng cả về lượng và chất. Nguyên nhân của điều này là bởi các doanh nghiệp Việt Nam đã dần biết cách xây dựng thương hiệu và áp dụng tốt hơn các quy chuẩn chung của sàn, nhờ đó tăng dần mức độ chuyển đổi hành vi từ quan tâm sang mua hàng và tái mua hàng của người dùng quốc tế. 

tmdt kinh te so amazon 6.jpg
Xuất khẩu online qua kênh thương mại điện tử là con đường nhanh nhất để đưa hàng hóa Việt Nam tới người tiêu dùng quốc tế. 

Thống kê cũng chỉ ra rằng, top 5 ngành hàng có doanh thu tốt nhất của người Việt trên Amazon là nhà cửa, nhà bếp, chăm sóc sức khỏe, may mặc, làm đẹp. 

Từ trước đến nay, Việt Nam vốn được biết đến là quốc gia top đầu thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Thế mạnh này tiếp tục được duy trì trên cả kênh xuất khẩu online khi ngành hàng nội thất, trang trí nhà cửa chiếm vị trí top đầu về giá trị xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử Amazon. 

Bên cạnh đó, sản phẩm Việt cũng có thứ hạng cao ở ngành hàng làm đẹp với các sản phẩm như lông mi giả, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ,…. Đây là những nhóm sản phẩm bắt đầu có sự dịch chuyển và giúp mảng làm đẹp vào top 5 ngành mang lại giá trị xuất khẩu online cao cho Việt Nam. 

Với mô hình thương mại điện tử bán lẻ, các doanh nghiệp có thể quản trị được việc kinh doanh tốt hơn, thay vì phụ thuộc vào các khách hàng sỉ. Lúc này, doanh nghiệp sản xuất có thể đóng vai trò của người bán hàng, làm thương hiệu, trực tiếp tham gia vào khâu đóng góp, ship hàng.

Họ cũng thấy được cả những bình luận, đánh giá của người dùng để từ đó tinh chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp nhằm đáp ứng thị hiếu. 

tmdt kinh te so amazon.jpg
Trang thương mại điện tử Amazon chỉ trả về 37 kết quả khi tìm kiếm với từ khóa “coffee vietnam”. 

Doanh nghiệp Việt ngày một thích nghi tốt hơn với xuất khẩu online qua kênh thương mại điện tử. Thế nhưng, có một điều đáng buồn là trong top 5 ngành hàng có tổng giá trị xuất khẩu online cao nhất của Việt Nam trên Amazon vắng bóng sự hiện diện của ngành nông sản. Trong khi, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản đã được biết đến trên thị trường quốc tế. 

Trong một thế giới chuyển đổi số với hoạt động kinh doanh dần được chuyển đổi lên môi trường mạng, bà con nông dân và các doanh nghiệp nông sản Việt Nam cần thích nghi nhanh hơn với sự chuyển dịch này. Chỉ có như vậy, giá trị và lượng tiêu thụ các sản phẩm nông sản Việt mới gia tăng, người nông dân Việt nhờ thế cũng được hưởng lợi. 

Nông dân Việt cũng có thể bán hàng xuyên biên giới

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc làm sao để thúc đẩy hàng nông sản Việt Nam tham gia vào thị trường thương mại điện tử toàn cầu, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, với những thế mạnh sẵn có, các sản phẩm nông sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu online ra thị trường quốc tế. 

Theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh việc bán online các mặt hàng như trà, cà phê, hạt điều trên Amazon. Đặc điểm chung của nhóm sản phẩm này đều là những mặt hàng nông sản khô, đã qua chế biến và để được lâu, do vậy phù hợp với các hành trình vận chuyển dài ngày khi bán nông sản ra thị trường quốc tế. 

Đối với việc xuất khẩu online các mặt hàng nông sản, thách thức lớn nhất là làm sao để các doanh nghiệp nông sản Việt Nam nhận thức đúng đắn và đầy đủ về những cơ hội họ có thể có được với thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó là cách thức làm thế nào để họ cụ thể hóa được điều này. 

W-tmdt-kinh-te-so-amazon-2-1.jpg
Nông sản Việt Nam hiện phổ biến với người dùng thương mại điện tử trong nước nhưng chưa có nhiều điều kiện bán online ra nước ngoài. 

Tại một quốc gia phải nhập khẩu nước ngọt như Singapore, họ vẫn có những doanh nghiệp rất thành công trong mảng xuất khẩu online các sản phẩm tiêu dùng, nông sản, trong đó matcha (bột trà xanh). 

Theo góc nhìn của ông Gijae Seong, Việt Nam cũng có các sản phẩm nông sản tương tự như trà và cà phê. Thế nhưng, các doanh nghiệp nước khác như Singapore đang làm tốt câu chuyện bán sản phẩm trên Amazon, trong khi Việt Nam thì vẫn chưa làm được. 

Điểm khác biệt nằm ở chỗ các công ty Singapore biết xây dựng thương hiệu cho mặt hàng của mình. Họ không chỉ đơn thuần bán giá trị sử dụng của sản phẩm mà còn là thương hiệu và cách kể câu chuyện để chạm tới khách hàng toàn cầu. 

Để thành công, người nông dân và các công ty nông sản Việt Nam có thể tham khảo mô hình của những nước xung quanh. “Đầu tiên, cần hiểu được nhu cầu của thị trường để đáp ứng. Thay vì bán cái mình có, phải bán cái họ cần. Thứ hai là câu chuyện xây dựng thương hiệu. Hàng nông sản phải có thương hiệu mới giải được bài toán tăng trưởng bền vững”, vị chuyên gia đưa ra nhận định.

Đưa nông sản “go global” bằng doanh nghiệp công nghệ ViệtHưởng ứng lời kêu gọi của Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với tỉnh này trong việc ứng dụng công nghệ để phân phối các sản phẩm địa phương, đưa nông sản Việt “go global”.