Thông tin từ “Sổ tay điện tử chuyển đổi số” của tỉnh Bình Định cho thấy, hệ thống các phần mềm của nhiều cơ quan Nhà nước tại Bình Định đã được sử dụng, cập nhật dữ liệu tới cấp xã.
Theo kế hoạch “Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với các con số rất cụ thể:
-80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
-90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
-100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế – xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Nhằm góp phần chuyển đổi nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, truyền cảm hứng, động lực cho quá trình thực hiện chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn, Sở TT&TT tỉnh Bình Định đã sớm cho ra mắt “Sổ tay điện tử chuyển đổi số”. (sổ tay, phiên bản điện tử tại địa chỉ http://sotay.binhdinh.gov.vn/chuyendoiso/)
Theo nội dung trong sổ tay trên, nhiều Sở chức năng đã sử dụng các phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số, cập nhật dữ liệu tới cấp huyện/xã.
Đơn cử, Hệ thống quản lý công chức, viên chức của Sở Nội vụ đã được sử dụng, cập nhật dữ liệu tới cấp xã. Tương tự, Hệ thống quản lý công việc của Sở TT&TT; Hệ thống quản lý ngành Tài chính (Sở Tài chính); Hệ thống thông tin báo cáo (Văn phòng UBND tỉnh); Hệ thống quản lý đầu tư công (Sở KHĐT)… đều đã được đưa vào triển khai tai tại tất cả các đơn vị liên quan.
Thống kê, có 12/30 hệ thống phần mềm của các Sở, ngành được sử dụng, cập nhật dữ liệu xuyên suốt từ Sở chức năng tới cấp xã. Các phần mềm còn lại đang tiếp tục được các đơn vị nâng cấp, cập nhật dữ liệu để đưa vào “phủ” toàn bộ.
Ngoài các hệ thống trên, đối với các ứng dụng nội bộ trong cơ quan Nhà nước, ứng dụng Văn phòng điện tử đang sử dụng ở Bình Định bao gồm phiên bản dành cho desktop (iDesk) và phiên bản dành cho thiết bị di động trên iOS và Android (EverNet).
Đáng chú ý, tỉnh Bình Định đang sử dụng ứng dụng Quản lý công việc để hỗ trợ quản lý Nhà nước trong nội bộ cơ quan Nhà nước. Ứng dụng có lợi ích rất cụ thể là: Phân công công việc dễ dàng trên một nền tảng; Báo cáo đo lường hiệu suất tự động theo thời gian thực; Sử dụng dễ dàng, không yêu cầu cài đặt, giao diện thân thiện; Giúp nhân sự chủ động tự đánh giá, quản lý công việc; Phân bổ công việc theo khối lượng…
Cùng với đó, hệ thống thông tin một cửa điện tử là hệ thống thông tin nội bộ hỗ trợ cán bộ, côn chức, viên chức trong thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Có thể thấy, địa phương đang tích cực trong ứng dụng chuyển đổi số phục vụ công việc.
Trước đó, tại một hội nghị do UBND tỉnh chủ trì hồi cuối tháng 8, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định, ông Trịnh Xuân Long cho biết, việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh, đã phát huy hiệu quả tích cực, bảo đảm thông tin thông suốt, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn vẫn mong muốn tập trung nâng cao ý thức người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính. Trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, phải làm thực chất, rà soát lại các thủ tục, tiếp tục cắt giảm và đẩy nhanh thời gian làm thủ tục hành chính.
“Tiên phong số hoá hồ sơ để bớt thủ tục cho người dân”, ông Tuấn nhấn mạnh tại hội nghị trên.
Trần Chung – Diễm Phúc