Chuyển đổi số tại Sở Tài chính địa phương mang lại chuyển biến tích cực trong quản lý điều hành lĩnh vực tài chính ngân sách nhà nước hàng năm khi rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục từ 5 ngày còn nửa ngày.
Trao đổi với VietNamNet về câu chuyện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Định cho biết, hiệu quả dễ nhận biết nhất là rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm chi phí đi lại, công in ấn giấy tờ, tài liệu. Từ đó, cơ quan này tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch với Sở Tài chính, hướng tới hiện đại hóa hành chính công, góp phần cải cách thủ tục hành chính.
– Ông có thể nêu ví dụ cụ thể về lợi ích chuyển đổi số mang lại cho Sở Tài chính Bình Định?
Tôi xin dẫn chứng về thủ tục cấp mã số đơn vị sử dụng ngân sách. Trước đây, khi áp dụng bằng phương pháp thủ công (nộp trực tiếp + bưu điện), các đơn vị sẽ tốn chi phí đi lại; thời gian giải quyết công việc cấp mã số là 3-5 ngày. Song, từ khi Sở Tài chính triển khai dịch vụ công mức độ 4 cho công tác cấp mã số đơn vị sử dụng ngân sách, các tổ chức cá nhân nộp hồ sơ qua mạng, đã tiết kiệm chi phí đi lại; đồng thời, tiết kiệm ngân sách, rút ngắn thời gian giải quyết công việc còn 2 ngày. Đối với các hồ sơ nộp trực tuyến hợp lệ, thời gian trả kết quả được Sở Tài chính rút ngắn thời gian chỉ còn 1/2 ngày.
Ở đây, chúng tôi đặt mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, chủ đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ hành chính công hiên đại.
Ngoài ra, Sở cũng đang vận hành tốt các phần mềm như: Quản lý tiền lương, Chế độ báo cáo định kỳ lĩnh vực tài chính, Quản lý ngân sách, Cơ sở dữ liệu giá địa phương,…
Rõ ràng, chuyển đổi số đã giúp các quy trình công việc của đơn vị được tự động hóa, thống nhất, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng quản lý tổng hợp dự toán, tổng hợp quyết toán ngân sách đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, an toàn, bảo mật cao. Ban lãnh đạo Sở Tài chính quản lý, điều hành, ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời.
– Thời gian qua, đội ngũ cán bộ công chức Sở đóng vai trò quan trọng ra sao khi đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số?
Cán bộ công chức tại Sở Tài chính là yếu tố quyết định đóng góp vào thành công trong chuyển đổi số của cả một tập thể.
Hiện, nhân sự của Sở đã, đang ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong xử lý công việc, trao đổi trực tuyến trên môi trường mạng, ký số trực tuyến, nhằm phục vụ cải cách thủ tục hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Từ hoạt động chuyển đổi số tại Sở Tài chính đã có hiệu ứng lan tỏa đến nhiều đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Sở Tài chính đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của đơn vị, theo đó, Giám đốc Sở trực tiếp chỉ đạo về chuyển đổi số trong cơ quan theo chỉ đạo của UBND tỉnh (người đứng đầu các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách).
Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, các cá nhân, đơn vị khi giao dịch với Sở Tài chính được rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại, giấy tờ; công tác cải cách thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch với Sở. Quy trình thực hiện hành chính công được hiện đại hoá, đảm bảo chính xác các số liệu về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước, hỗ trợ nhà chức trách trong điều hành dự toán và tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước.
Chúng tôi khẳng định, yếu tố góp phần quan trọng cho thành công trong chuyển đổi số của Sở Tài chính là sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đơn vị và nỗ lực phấn đấu của tập thể nhân sự đơn vị. Cán bộ công chức ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, mỗi người từng bước xây dựng phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với Sở.
Theo “Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023” của Sở Tài chính, đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đơn vị hiện có: -37 thủ tục hành chính, đang cung cấp 12 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 4 dịch vụ công trực tuyến một phần. -100% hồ sơ công việc tại Sở Tài chính được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). -Đang thí điểm thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số đối với các chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế- xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. -100% cán bộ công chức Sở sử dụng các dịch vụ xã hội số (y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thanh toán điện tử, VneID…), Sở Tài chính cập nhật 100% hồ sơ công chức, viên chức vào phần mềm Quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, Sở đang sử dụng và khai thác có hiệu quả các phần mềm do Bộ Tài chính trang bị như: Phần mềm quản lý tài sản công, Hệ thống phần mềm TABMIS, Phần mềm cấp mã số đơn vị sử dụng ngân sách, Kho dữ liệu thu-chi NSNN, các phần mềm kế toán…. -Sở Tài chính Bình Định cũng triển khai vận hành và khai thác có hiệu quả các Phần mềm do Sở Tài chính triển khai, xây dựng: Nâng cấp hệ thống Phần mềm quản lý tiền lương, Thuê dịch vụ công nghệ thông tin Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương, Thuê dịch vụ công nghệ thông tin Phần mềm báo cáo định kỳ lĩnh vực tài chính, Phần mềm quản lý ngân sách trên địa bàn tỉnh Bình Định. |
Trần Chung – Diễm Phúc
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hieu-qua-chuyen-doi-so-tu-so-tai-chinh-binh-dinh-2229059.html