Bên cạnh sứ mệnh ban đầu là Make in Viet Nam, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số các ngành và lĩnh vực.
Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
Ngày 11/12, tại thành phố Hạ Long, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam – Make in Viet Nam 2023, với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số – Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Phiên chính của diễn đàn vào sáng 11/12 có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.
Sự kiện còn có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng; nhiều đại biểu cấp cao đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đại diện một số cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, các hội, hiệp hội; và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp công nghệ uy tín trong nước và quốc tế cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số tại Việt Nam.
Năm 2023 là năm thứ 5 Bộ TT&TT chủ trì tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ngay từ khi diễn đàn ra đời vào năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã được trao sứ mệnh Make in Viet Nam: Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn là sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và đi ra toàn cầu.
Là người đã đều đặn tham dự các kỳ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định: Diễn đàn lần này tạo ra được không khí hết sức đặc biệt, tiếp tục khẳng định tinh thần Việt Nam sẽ có những khâu đột phá thực sự, tiếp tục đổi mới sáng tạo và các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ số chính là những người đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng cho rằng, chủ đề diễn đàn năm nay thể hiện rõ tinh thần đổi mới sáng tạo. Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, dẫn đầu chính là là các doanh nghiệp kinh tế số và khoa học công nghệ là ‘chìa khóa’ để thực hiện.
Nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn Make in Vietnam 2021 rằng “nếu kinh tế số Việt Nam không phát triển, không làm cho Việt Nam hạnh phúc, hùng cường thì đó là trách nhiệm Bộ trưởng“, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận xét: Kết quả sau 2 năm đã cho thấy Bộ trưởng đã cùng với các doanh nhân và lực lượng của mình làm được điều này.
Cũng theo Phó Thủ tướng, công nghệ số, sáng tạo số đã hiện diện trong mọi mặt đời sống xã hội. Điều này một mặt cho thấy tầm quan trọng của kinh tế số, nhưng mặt khác cũng chỉ rõ rằng tiềm năng, dư địa, không gian phát triển kinh tế số vẫn còn rất rộng lớn.
Từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Viet Nam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số cũng tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%; Việt Nam hiện có trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa khẳng định: “Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường, thịnh vượng”.
Tận dụng cơ hội để đưa Việt Nam ‘đuổi kịp’ và ‘đi tắt đón đầu’
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào việc đất nước sẽ chuyển mình mạnh mẽ nhờ nắm bắt được cơ hội từ cách mạng 4.0. “Đây là cơ hội để những nước đang phát triển, những nước đi sau có thể đuổi kịp và đi tắt, đón đầu. Câu ‘đi tắt, đón đầu’ không nên sử dụng ở bất cứ đâu nhưng trong lĩnh vực viễn thông chúng ta đã thành công, và với lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số chúng ta cũng sẽ thành công”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Cho biết chủ đề của diễn đàn năm nay cũng là chủ đề của năm 2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là những ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Lực lượng làm việc này chính là các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số.
Dẫn số liệu về tiềm năng phát triển của thị trường các ứng dụng cho 5G và kết quả thực tế nhà mạng China Mobile của Trung Quốc thu được từ đầu tư phát triển ứng dụng số cho các ngành công nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phát triển ứng dụng số cho các ngành cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu, phát triển”.
Bộ trưởng kêu gọi hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực.
Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động. Việt Nam nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng tăng năng suất lao động thì nay lời giải là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành.
Bộ trưởng còn chỉ rõ, năm 2024 sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp; là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực; cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Đại diện địa phương phối hợp tổ chức diễn đàn năm nay, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, sự kiện là diễn đàn để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp thảo luận, tìm ra định hướng, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số, là mối quan tâm, mục tiêu của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Chuyển đổi số bằng công nghệ, ứng dụng 5G Make in Viet Nam
Tại diễn đàn, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số nước nhà, đại diện các VNPT, Viettel, FPT, MobiFone, CMC, VAS và NTQ Solution đã chia sẻ khát vọng của các doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng số, tạo ra ứng dụng số nhằm góp sức vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phó Tổng giám đốc VNPT Technology Lý Quốc Chính cho rằng, để triển khai chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp, cần phải có các kịch bản sử dụng.
Việc vận hành hầm mỏ thông minh trong ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản cũng tương tự như vậy. Đó là những ứng dụng cụ thể của 5G mà Việt Nam hiện đang cần. “Với khả năng và tiềm lực sẵn có, không ai khác, các nhà mạng Việt Nam cần phải thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ số cho 5G, tập trung vào ngành công nghiệp và sản xuất”, ông Chính khẳng định.
Theo ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật tập đoàn Viettel, mỗi doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp tại Việt Nam có thể có cho mình một mạng dùng riêng (5G Private) để chuyển đổi số hoàn toàn hoạt động sản xuất.
Việt Nam cần nhanh chóng hình thành mạng 5G độc lập chất lượng cao để tạo thành nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số các ngành công nghiệp. Cần phải xây dựng được mô hình 3 bên, gồm nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số và các doanh nghiệp ứng dụng sản phẩm dịch vụ số.
Chiến lược phát triển 5G của Viettel sẽ tập trung vào các khu công nghiệp, nơi có nhu cầu ứng dụng 5G. Về dài hạn, Viettel sẽ đẩy mạnh việc phát triển các ứng dụng và nền tảng số, đồng bộ với việc triển khai mạng 5G.
“Trong vòng 3-5 năm tới, mục tiêu của chúng tôi là 400 khu công nghiệp, với khoảng hơn 2.000 nhà máy, xí nghiệp trên cả nước sẽ có mạng 5G độc lập. Tháng 6/2024, Viettel sẽ hoàn thành việc phát triển mạng thương mại 5G độc lập, phục vụ cho chuyển đổi số”, ông Lê Bá Tân nói.
Ngoài câu chuyện về ứng dụng 5G, tại diễn đàn còn nổi lên các mô hình, sản phẩm công nghệ do người Việt tự phát triển nhằm chuyển đổi số hoạt động sản xuất.
Đơn cử, sau 5 năm nghiên cứu, đội ngũ kỹ sư của Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ cao VAS đã cho ra đời hệ thống nền tảng robot hoàn toàn Make in Viet Nam. Nền tảng gồm 3 thành phần: hệ thống điều khiển robot trên thời gian thực, camera AI để nhận diện, phân loại, giám sát sản phẩm lỗi và hệ thống IoT công nghiệp để liên thông dữ liệu. Đây là một ví dụ cho sức sáng tạo của người Việt trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ dùng trong chuyển đổi số.
Đưa Việt Nam thành trung tâm công nghệ số toàn cầu
Kết luận phiên chính của diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, cùng với việc lắng nghe doanh nghiệp để tạo ra môi trường pháp lý, chắc chắn Chính phủ sẽ phải trở thành ‘một người đặt hàng lớn nhất’ của các doanh nghiệp, đồng thời có chính sách để mọi lĩnh vực cùng chuyển đổi và đặt hàng, tạo đầu ra cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp cận một cách rất cụ thể trong vấn đề xây dựng dữ liệu số, cần một môi trường pháp lý rõ ràng để mỗi người dân có thể tham gia vào quá trình thu thập, cập nhật dữ liệu số và mỗi cơ quan nhà nước là những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng kho dữ liệu.
Phó Thủ tướng khuyến nghị cần phải tính toán để cam kết thực hiện được đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bao gồm cả quyền liên quan đến dữ liệu cá nhân.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khát khao làm ra sản phẩm Việt Nam, khát khao đi ra chinh phục thế giới, làm rạng danh Việt Nam bằng sản phẩm Việt Nam, bằng công nghệ Việt Nam.
Các doanh nghiệp cũng rất mong Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương giao cho họ những nhiệm vụ lớn hơn để chuyển đổi số quốc gia, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ có những việc lớn, khát vọng lớn thì mới giúp tạo ra những doanh nghiệp lớn.
“Chúng tôi hứa sẽ mang hết sức mình để biến Việt Nam thành một quốc gia công nghệ, sáng tạo công nghệ và tiêu dùng công nghệ, dùng công nghệ để hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng và không chỉ có vậy, mà còn biến Việt Nam thành một trung tâm công nghệ số toàn cầu. Sản phẩm công nghệ số Việt Nam sẽ góp phần tạo nên thương hiệu Việt Nam, đóng góp cho sự thịnh vượng của nhân loại”, Bộ trưởng cam kết.
Make in Vietnam 2023 lần đầu tôn vinh sản phẩm CNS Việt Nam chinh phục thế giới
Công nhận chip, thiết bị mạng 5G Viettel là sản phẩm CNTT trọng điểm
Nguồn: https://vietnamnet.vn/su-menh-moi-cua-cong-dong-doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-2225632.html