Thanh niên vùng dân tộc thiểu số hiện nay quan tâm nhiều đến thông tin trên mạng xã hội hơn thông tin chính thống trên báo chí. Báo chí chính thống cần có các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lực lượng này.
Ngày 9/11, tại TP.HCM, Vụ pháp chế, Bộ TT&TT, đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị có sự tham gia của đông đảo phóng viên và biên tập viên thuộc các cơ quan truyền thông đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, cho biết, “Thông tin” là một trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều.
Tiêu chí để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận thông tin là sử dụng dịch vụ viễn thông qua việc hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ Internet; Tài sản phục vụ tiếp cận thông tin, ở đây là hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin như phương tiện dùng chung gồm tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại; Phương tiện cá nhân gồm máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh.
Để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận thông tin, rất nhiều chính sách đã được đưa ra, chẳng hạn như: Chính sách cung cấp dịch vụ bưu chính công ích; Chính sách hỗ trợ hoạt động báo chí cung cấp thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; Chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin thông qua 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời rất nhiều chương trình hỗ trợ cũng đã được triển khai, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 với dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Với nội dung nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông; Thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới; Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; Trang bị hệ thống thiết bị thông tin cho các đồn biên phòng phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền thông tin đối ngoại tại các xã biên giới, hải đảo; Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã; Xây dựng, phát triển nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm, báo điện tử; Phát triển các nền tảng công nghệ khác phục vụ giảm nghèo về thông tin; Sản xuất mới các tác phẩm báo chí và các sản phẩm truyền thông khác để cung cấp nội dung thiết yếu cho xã hội; Sản xuất mới các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu; Lựa chọn tác phẩm báo chí có nội dung thiết yếu, có giá trị phổ biến lâu dài để chuyển sang định dạng số và phát hành trên không gian mạng; Lựa chọn xuất bản phẩm in để xuất bản dưới hình thức xuất bản phẩm điện tử.
Ông Đinh Xuân Thắng chia sẻ, vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số trong công tác bảo vệ tổ quốc là rất lớn, tuy nhiên, hiện nay Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, đa số nghèo và khó khăn. Đồng thời khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các dân tộc, các vùng, miền cũng chưa được thu hẹp, hộ nghèo đến từ các cộng đồng dân tộc ngày càng tăng.
Theo ông Thắng, chính sự vất vả và khó khăn đó, khiến cho hiện nay thanh niên vùng dân tộc thiểu số quan tâm nhiều đến thông tin trên mạng xã hội, ít quan tâm đến thông tin chính thống trên báo chí.
Báo chí chính thống cần có các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lực lượng này. Phản ánh được những khó khăn họ đang gặp phải để Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, đồng thời có các cách tiếp cận, tuyên truyền, để nâng cao nhận thức làm cho họ tin vào các thông tin chính thống ngày càng nhiều hơn.