Tại Hội thảo và Triển lãm An toàn không gian mạng Việt Nam (Vietnam Security Summit) 2024, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Nền tảng định danh và xác thực điện tử VNPT eKYC – Tập đoàn VNPT khẳng định, VNPT tự tin đồng hành cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính để triển khai các giải pháp AI chất lượng và hiệu quả, tăng độ tin cậy của người dùng khi giao dịch trên môi trường số…
Xu hướng eKYC trong phát triển tài chính số tại Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Huy dẫn chứng, Nghị định số 87/2019/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được quyết định gặp mặt khách hàng lần đầu trực tiếp hoặc không trực tiếp lần đầu, trường hợp không trực tiếp cần đảm bảo các biện pháp công nghệ. Cùng với đó, công văn số 1624/ BTTTT-NEAC cũng đã hướng dẫn quy trình đăng ký cấp chứng thư số bằng phương thức điện tử. Mới đây, quyết định 2345/QĐ-NHNN được ban hành yêu cầu từ 01/07/2024 bắt buộc xác thực sinh trắc học với giao dịch loại C và D.
Những quy định, yêu cầu này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa xu thế triển khai eKYC trong phát triển tài chính số tại Việt Nam. Đại diện đến từ VNPT cũng đưa ra những con số dẫn chứng cụ thể. Việc triển khai eKYC giúp số lượng giao dịch trực tuyến tại nước ta tăng vượt bậc trong thời gian qua với 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt; 27 triệu tài khoản 12,9 triệu thẻ được mở qua định danh điện tử eKYC; 200 triệu tỷ tổng giá trị giao dịch online.
Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn vào thực trạng vấn đề giả mạo trong giao dịch tài chính, với 15.900 ghi nhận trường hợp lừa đảo trên mạng Internet trong 11 tháng đầu 2023, trong đó có 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong tài chính ngân hàng; 391,8 nghìn tỷ đồng lừa đảo chiếm đoạt, tương đương 3,6% GDP cả nước vào năm 2023.
Trước thực tế này, việc ứng dụng AI trong ngăn chặn giả mạo eKYC đã đem lại nhiều lợi ích. Thứ nhất phải kể tới đó là tăng độ chính xác. Các giải pháp phát hiện gian lận bằng AI ít lỗi hơn so với đánh giá thủ công và ngày càng hiệu quả hơn nhờ khả năng học hỏi và cải tiến từ dữ liệu mới.
Thứ hai, giải pháp cũng giúp giảm chi phí. Việc tự động hóa các nhiệm vụ phát hiện gian lận dẫn đến hoạt động hiệu quả hơn về tài nguyên, giải phóng đội ngũ nhân sự để tập trung vào các nhiệm vụ cần đến sự chuyên môn của con người.
Thứ ba, giúp phát hiện và ngăn chặn theo thời gian thực. AI có khả năng giám sát giao dịch 24/7, phát hiện và ngăn chặn hoạt động đáng ngờ ngay lập tức để giảm thiểu tổn thất.
Thứ tư, khả năng mở rộng: Hệ thống phát hiện gian lận bằng AI cókhả năng mở rộng giám sát và xử lý các tập dữ liệu phức tạp mà không cần tang nhân lực, đảm bảo doanh nghiệp vẫn được bảo vệ khi mở rộng quy mô.
Thứ 5, lấy được sự tin tưởng và hài lòng của khách hàng. Danh tiếng về bảo mật có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh đáng kể, thu hút những khách hàng mới ưu tiên bảo mật thông tin cá nhân và tài chính của các doanh nghiệp.
Dù đem lại nhiều lợi ích, song đại diện đến từ VNPT cũng chỉ ra các thách thức đối với doanh nghiệp Việt khi áp dụng AI trong ngăn chặn giả mạo eKYC như: Tốn nhiều chi phí xây dựng một hạ tầng tính toán hiệu năng cao và khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có trình độ và kinh nghiệm về công nghệ AI.
Các doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ tất cả các quy định có liên quan, bao gồm luật bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của Nhà nước ban hành.
Dữ liệu không đầy đủ, lỗi thời,… sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác. Các quy định về quyền riêng tư có thể hạn chế khả năng tiếp cận dữ liệu. Dẫn tới sự cần thiết của nguồn dữ liệu chất lượng cao và chuyên biệt.
Tất cả những yếu tố trên cần một giải pháp tích hợp đơn giản, đảm bảo tương thích với các hệ thống sẵn có của các doanh nghiệp. Và giải pháp AI của VNPT để phòng chống giả mạo trong eKYC đã “giải quyết” được những băn khoăn, lo lắng nêu trên.
Ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Nền tảng định danh và xác thực điện tử VNPT eKYC – Tập đoàn VNPT tham luận tại Vietnam Security Summit 2024 |
4 trụ cột xây dựng giải pháp AI của VNPT
Ông Nguyễn Quang Huy cho hay, VNPT xây dựng giải pháp AI dựa trên 4 trụ cột đó là: CON NGƯỜI – HẠ TẦNG – CHIẾN LƯỢC – DỮ LIỆU. Hiện giờ, giải pháp VNPT AI đã và đang tạo ra các giải pháp AI hiệu quả và tin cậy với thế mạnh hơn 150+ chuyên gia AI và hơn 5000 kỹ sư công nghệ thông tin. VNPT tự hào có một hạ tầng với dữ liệu đa dạng từ hệ sinh thái chuyển đổi số của VNPT. Đây cũng là hạ tầng Top đầu Việt Nam, hạ tầng GPU với n+ PetaFlops và đặc biệt, hạ tầng Big data có thể xử lý 100 tỷ events/ngày.
Bên cạnh nhân lực và hạ tầng, VNPT cũng có một chiến lược đầu tư dài hạn và liên tục vào lĩnh vực AI. Dựa trên dữ liệu eKYC trong hơn 5 năm triển khai, VNPT AI xây dựng ra hơn 50 quy tắc và model AI khác nhau để kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ.
Công nghệ nhận diện và xác thực giọng nói (Voice Verification): là một trong những công nghệ mới đang được nghiên cứu và áp dung cho dịch vụ VNPT eKYC, cho phép so khớp giọng nói của người dùng với giọng đã đăng ký trước đó, khi kết hợp với so khớp gương mặt sẽ tạo nên hai lớp bảo mật tăng cường an toàn hơn khi gặp phải các hình thức giả mạo danh tính.
Công nghệ phân tích dữ liệu phát hiện bất thường (Anomaly Detection): SDK Mobile lấy thông tin camera, ghi lại các chuyển động, thao tác của người dùng trong quá trình thực hiện xác thực rồi mã hóa và gửi về server; Server nhận thông tin từ mobile thực hiện giải mã và dùng AI phân tích các thông tin nhằm phát hiện các bất thường để từ đó ngăn chặn được các trường hợp deep fake hình ảnh/ video sử dụng máy ảo, camera ảo hoặc inject phần cứng camera…
Đến thời điểm này, VNPT eKYC đã sẵn sàng đáp ứng Quyết định 2345/QĐ-NHNN được ban hành yêu cầu từ 01/07/2024 bắt buộc xác thực sinh trắc học với giao dịch loại C và D. Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, VNPT eKYC được hơn 100 khách hàng uy tín tin dùng.
Là một trong những giải pháp trong hệ sinh thái VNPT AI với hơn 100 Engines ở đầy đủ các lĩnh vực Computer Vision, Voice Processing, NLP và Data Analysis và hơn 40 triệu người dùng, VNPT eKYC của VNPT nắm giữ công nghệ lõi, mang đến các Giải pháp AI chuyên biệt. “VNPT tự tin đồng hành cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính để triển khai các giải pháp AI chất lượng và hiệu quả, tăng độ tin cậy của người dùng khi giao dịch trên môi trường số” – đại diện đến từ VNPT khẳng định.
Phạm Lê