Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Đánh giá của Liên hợp quốc cho thấy, xếp hạng về dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam trong kỳ đánh giá gần đây nhất năm 2022 là 76, tăng 5 bậc so với kỳ đánh giá năm 2020 của tổ chức này.

Việt Nam là một trong 9 nước, trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, có mức thu nhập trung bình nhưng có chỉ số dịch vụ công trực tuyến cao trên mức trung bình.

Số liệu thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, đến hết tháng 9/2023, 100% bộ, ngành, địa phương đều đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định 42 năm 2022 của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tính đến tháng 10/2023, tất cả các thủ tục hành chính đủ điều kiện đều đã được triển khai cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

dich-vu-cong-1.jpg
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình có chất lượng, được người dân dùng nhiều đã được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. (Ảnh minh họa: TD)

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, giám sát, đo lường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến lần thứ nhất đã được Bộ TT&TT công bố tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế.

Cụ thể, khảo sát cho thấy, điểm trung bình về chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của khối bộ, ngành đạt 70/100 điểm và của khối địa phương là 83/100 điểm. Tỷ lệ hồ sơ điện tử nộp trực tuyến do người dân tự thực hiện mới chỉ đạt 18,2%.

Theo phân tích của Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT), có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế về chất lượng, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến.

Trong đó, công tác tuyên truyền và thực hiện tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến chưa được quan tâm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chưa có đủ nhận thức, kỹ năng số và chưa hình thành thói quen trong việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp.

Mặt khác, trong Nghị quyết 131 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã giao Bộ TT&TT nhiệm vụ tích cực thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến về công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao nhận thức chung và sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích để thay đổi hành vi, ý thức.

Trong đó, việc tuyên truyền về cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến là điểm cốt lõi của nhiệm vụ này.

Theo thông tin từ Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT dự kiến sẽ xây dựng dự thảo đề án trình Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của DVCTT giai đoạn 2024 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đề án nêu trên dự kiến sẽ tập trung vào việc thúc đẩy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dịch vụ công trực tuyến, đồng thời đào tạo kỹ năng số về cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho các cán bộ, công chức, viên chức cùng người dân, doanh nghiệp. 

Về hình thức, các kênh trực tuyến và các nền tảng số sẽ là hình thức tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Mục tiêu hướng tới là tạo sự thay đổi, chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và của người dân, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến. 

Cũng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tập trung đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện 20 nhiệm vụ cụ thể đã được xác định sau phiên họp chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số hồi giữa năm nay.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình, nâng cao chất lượng toàn trình và mở rộng bổ sung thêm lên 53 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân; thực hiện giám sát, đo lường và định kỳ công bố xếp hạng chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, tỉnh.

Hai yếu tố căn bản nhất của dịch vụ công trực tuyến là toàn trình và chất lượngThay đổi căn bản của của dịch vụ công trực tuyến phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng được.