Mua hàng không dùng tiền mặt đang phát triển nhanh tại các chợ ở huyện Phú Lương. Qua đó không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, tiểu thương mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Cuối năm 2022, huyện Phú Lương triển khai mô hình chợ 4.0 đầu tiên tại chợ Đu, thị trấn Đu. Tại đây, đơn vị Viettel Chi nhánh huyện Phú Lương đã phối hợp với các tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn Thanh niên thị trấn Đu hướng dẫn nhân dân và các hộ kinh doanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng Viettel Money và quét mã QR của các ngân hàng.
Thông qua mô hình đã có trên 95% số tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ đã sử dụng hình thức thanh toán điện tử.
Mô hình chợ 4.0 ở thị trấn Đu đạt hiệu quả tích cực đã góp phần lan tỏa rộng rãi hình thức thanh toán trực tuyến tại hầu khắp các chợ truyền thống ở các xã, thị trấn trên địa bàn.
Đơn cử như tại xã Phú Đô, là xã vùng xa với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao của huyện. Theo ghi nhận của chúng tôi tại phiên chợ xã được tổ chức mới đây, gần 50% số tiểu thương ở chợ đã có biển quét mã QR code hoặc hình ảnh mã QR code, ứng dụng thanh toán của ngân hàng để giao dịch với khách hàng.
Chị Đỗ Thị Oanh, một tiểu thương ở chợ xã Phú Đô, cho biết: Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện lợi và nhanh chóng. Nếu như trước đây, hàng ngày, tôi phải đổi tiền lẻ để trả lại cho khách thì bây giờ khách hàng sẽ chuyển tiền vào tài khoản.
Nhờ sự tiện dùng này mà thời gian gần đây, số khách hàng có nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, chiếm khoảng 40% trong tổng số các giao dịch mua bán.
Trong đó, đối tượng chủ yếu sử dụng hình thức thanh toán này là thanh niên, công chức, công nhân. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tôi đã mở tài khoản tại 4 ngân hàng để tạo thuận lợi cho người mua trong quá trình giao dịch trực tuyến.
Đối với khách hàng, hình thức thanh toán trực tuyến cũng đem lại nhiều thuận lợi. Anh Đặng Quốc Huy, người dân xã Phú Đô chia sẻ: Tôi thường xuyên dùng phương thức thanh toán trực tuyến khi mua hàng tại chợ vì rất tiện dụng và nhanh chóng. Giờ đây, khi đi chợ, tôi chỉ cần mang theo chiếc điện thoại thông minh là đủ.
Toàn huyện đã có 12/12 chợ truyền thống triển khai mô hình chợ 4.0; gần 11 nghìn thuê bao mở tài khoản Viettel Money; trên 17,1 nghìn khách hàng cài đặt ứng dụng Agribank E-mobile Banking; trên 2,2 nghìn hộ kinh doanh, đơn vị cài mã VietQR…
Những số liệu trên là kết quả bước đầu mà địa phương đạt được trong triển khai các giải pháp về kinh tế số, chuyển đổi số, trong đó chợ 4.0 là một trong những mục tiêu hướng đến.
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng thương mại mở 2 đợt ra quân triển khai mô hình chợ dân sinh không dùng tiền mặt tại thị trấn Đu, xã Tức Tranh.
Thông qua các đợt ra quân, huyện đã yêu cầu các đơn vị, trong đó đặc biệt là các tổ chức tín dụng quan tâm hướng dẫn khách hàng mở tài khoản thanh toán, cài đặt ứng dụng thanh toán, lắp đặt mã QR code…
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về ưu điểm của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng đa dạng các hình thức.
Ngoài ra, do đặc thù là huyện miền núi, nhiều xã nằm ở vùng xa, đồi núi cao nên trên địa bàn huyện có nhiều khu vực bị rơi vào vùng lõm sóng.
Nhằm giúp người dân có thể dễ dàng kết nối, thực hiện mua bán và thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt, huyện đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp các trạm thu phát sóng thông tin di dộng (BTS) để đảm bảo thông tin liên lạc và tra cứu thông tin trên mạng Internet đối với những khu vực bị rơi vào vùng lõm sóng do đồi núi cao, che khuất.
Đến nay, các đơn vị viễn thông đã lắp đặt được 128 trạm BTS phủ sóng điện thoại di động đến 214/214 xóm, tổ dân phố của nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone; phủ sóng mạng Internet tới 100% xóm, tổ dân phố. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 40% và đạt 80% vào năm 2030. |
Theo Phan Trang (Báo Thái Nguyên)
Nguồn:https://vietnamnet.vn/cho-truyen-thong-thai-nguyen-bat-nhip-chuyen-doi-so-2215021.html