Sự cố với 5 tuyến cáp quang biển sau nửa năm vẫn chưa được khắc phục xong, điều này đã khiến tốc độ Internet tại Việt Nam tụt hạng so với các quốc gia khác trên thế giới.

Ảnh minh họa

Cuối tháng 2 vừa qua, toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã đồng loạt gặp sự cố. Trong đó, 2 tuyến cáp quang là AAG (Asia America Gateway) và AAE-1 (Asia – Africa – Europe 1) gặp sự cố từ tháng 10/2022.

Theo kế hoạch, các tuyến cáp quang biển sẽ được khắc phục sự cố từ cuối tháng 3 và đến thời điểm hiện tại đã được sửa xong. Tuy nhiên, theo đại diện của một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, hiện tại các tuyến cáp quang vẫn chưa được khắc phục. Như vậy, người dùng Internet tại Việt Nam đã phải “sống chung” với sự cố đứt cáp quang suốt nửa năm qua.

Mặc dù các nhà mạng tại Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để tạm thời khắc phục sự cố các tuyến cáp quang, bao gồm san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối, bổ sung lưu lượng trên các tuyến cáp đất liền nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế… tốc độ Internet từ Việt Nam đi quốc tế vẫn bị ảnh hưởng đáng kể. Có lẽ đây chính là lý do khiến Việt Nam bị tụt hạng trên bảng xếp hạng tốc độ trung bình mạng Internet toàn cầu.

Cụ thể, SpeedTest – dịch vụ trực tuyến chuyên phân tích và đánh giá hiệu suất, tốc độ truy cập Internet của các nhà mạng – vừa công bố báo cáo Chỉ số Internet Toàn cầu về tốc độ mạng Internet của các quốc gia trên thế giới, tính đến hết tháng 3/2023.

Theo báo cáo của SpeedTest, tốc độ kết nối mạng Internet cố định trung bình trên toàn cầu đạt 79 Mbps và tốc độ mạng di động trung bình trên toàn cầu đạt 41,54 Mbps.

So sánh tốc độ mạng Internet cố định của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
So sánh tốc độ mạng di động của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Do các sự cố về cáp quang chưa được khắc phục, tốc độ trung bình mạng Internet tại Việt Nam đã bị tụt 8 bậc, xếp thứ 51/140 quốc gia được SpeedTest khảo sát về tốc độ mạng di động và tụt một bậc, xếp thứ 40/180 quốc gia về tốc độ mạng cố định.

Cụ thể, tốc độ trung bình mạng di động tại Việt Nam đạt 43,32 Mbps và tốc độ trung bình mạng cố định đạt 91,24 Mbps. Điều này cho thấy mạng Internet trung bình (cả cố định lẫn di động) của Việt Nam đều cao hơn tốc độ mạng trung bình của thế giới.

Tốc độ mạng Internet tại Việt Nam thuộc nhóm tầm trung trên thế giới, tuy nhiên, vẫn thuộc nhóm quốc gia có tốc độ Internet cao nếu xét riêng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Về tốc độ mạng cố định, trong khu vực Việt Nam chỉ thua kém Singapore (xếp hạng nhất với tốc độ trung bình 235,40 Mbps), Thái Lan (xếp hạng 6, tốc độ 201,02 Mbps), Malaysia (xếp hạng 37, tốc độ 93,81 Mbps).

Về tốc độ mạng di động, Việt Nam cũng xếp ở vị trí thứ 4 tại khu vực, chỉ sau Brunei (xếp hạng 20, tốc độ trung bình 78,09 Mbps), Singapore (xếp hạng 22, với tốc độ 76,48 Mbps) và Malaysia (hạng 45, tốc độ 47,72 Mbps).

Nếu tính trong phạm vi toàn châu Á, tốc độ mạng cố định của Việt Nam xếp ở vị trí thứ 13 và tốc độ mạng di động xếp ở vị trí thứ 15.

Singapore nhiều tháng liền nắm giữ danh hiệu quốc gia có tốc độ mạng cố định nhanh nhất thế giới, đạt tốc độ trung bình 235,40 Mbps. Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) xếp ở vị trí thứ 2 với tốc độ trung bình 221,87 Mbps. Chile, Trung Quốc và Đan Mạch là 3 cái tên tiếp theo trong top 5, với tốc độ trung bình lần lượt đạt 220,39 Mbps, 216,83 Mbps và 203,78 Mbps.

Đáng chú ý, trong 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có tốc độ mạng Internet nhanh nhất thế giới, châu Á có đến 8 cái tên.

Ở chiều hướng ngược lại, Cuba là quốc gia có tốc độ mạng Internet cố định chậm nhất thế giới, với tốc độ truy cập trung bình đạt 1,84 Mbps. Afghanistan, Turkmenistan, Syria và Yemen là những cái tên góp mặt trong top 5 quốc gia có tốc độ mạng chậm nhất thế giới. Top 5 quốc gia có tốc độ mạng Internet chậm nhất thế giới đã không có sự thay đổi trong suốt nhiều tháng qua.

Về tốc độ mạng di động, hiện UAE là quốc gia nắm giữ vị trí số một, đạt tốc độ 178,25 Mbps. Qatar, Na Uy, Kuwait và Đan Mạch là những cái tên góp mặt trong top 5.

Cũng như mạng cố định, các quốc gia châu Á chiếm ưu thế khi góp mặt 8 trong tổng số 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có tốc độ mạng di động nhanh nhất thế giới.

Ở chiều hướng ngược lại, Cuba vẫn là cái tên xếp cuối về tốc độ truy cập mạng di động, khi chỉ đạt tốc độ 3,44 Mbps. Afghanistan, Venezuela, Somalia và Yemen là những cái tên góp mặt trong top 5 quốc gia có mạng di động chậm nhất thế giới.

Bạn nghĩ sao về bảng xếp hạng tốc độ mạng Internet toàn cầu của SpeedTest? Liệu tốc độ Internet Việt Nam có phù hợp với vị trí xếp hạng so với các nước trong khu vực?

theo Dân trí

Đánh giá post